One–two–three shots · Quốc Ca Thế Sự [National Anthems Gijinka]

[Oneshot] Death of a Song | QCTS fanfic.

Author: Helena Evans.

Fiction: Death of a song.

Disclaimer: I only own my words. And my fictional character, Laz, she is my mascot so she belongs to me.

Rating: K.

Characters: Project Quốc Ca Thế Sự của Yepurr. Main: Lưu – Công Dân Hành Khúc. Fictional char: Laz (my mascot).

Pairing: None.

Category: Sad, fluff, hurt/comfort…

Length: Oneshot.

Status: Completed.

DO NOT TAKEOUT WITHOUT MY PERMISSION.

Death Of A Song.

Khi nào thì một con người chết?

Về vật chất, khi cơ thể người đó không còn sự sống nữa.

Về tinh thần, khi người đó không còn tồn tại trong kí ức của bất kì ai.

Khi nào thì một bài hát chết?

Về vật chất, khi không còn được cất lên nữa, khi không còn được sử dụng thêm lần nào.

Về tinh thần, khi ngay cả giai điệu cũng đã bị thế gian quên lãng.

Vậy liệu có khi nào một Quốc Ca sẽ chết?

Về vật chất, phải chăng khi bản quốc ca ấy không còn được coi là quốc ca nữa…?

Về tinh thần,…

… Có phải là khi không còn một quốc ca nào, một công dân nào, một ca khúc nào khác còn nhớ tới sự từng hiện diện của quốc ca ấy…?

..

.

Trong kí ức của Scott tới tận hiện tại, lâu lâu anh vẫn nhầm lẫn giữa Tiến và Lưu.

Không phải là anh cố tình, khi mà hai người họ thực sự có ngoại hình rất giống nhau… vì dẫu sao cũng từng chung một bản thể.

Sự khác biệt bên ngoài chỉ đơn thuần là Lưu đeo kính, còn Tiến thì không. Chỉ một gọng kính, làm cho Lưu có vẻ già dặn trưởng thành hơn hẳn, còn chút điềm tĩnh trầm ổn phảng phất cảm giác từa tựa Kimi Ga Yo trong vài phần giây. Tiến thì trẻ trung hơn, sôi nổi và nhiệt huyết hơn, đặc biệt là đôi mắt không qua lớp cửa sổ trong suốt luôn chiếu ánh nhìn trực diện vào người trước mặt, đem lại cảm giác khác biệt với sắc nâu thuần ấm áp của Lưu.

The Star–Spangled Banner cũng thực sự không rõ rốt cuộc anh thích Công Dân Hành Khúc hay là Tiến Quân Ca hơn. Chỉ có điều người đang hiện diện bây giờ dĩ nhiên không phải là Lưu.

Lưu đã biến mất cả mấy chục năm về trước rồi.

Nghĩa Dũng thì biết rõ là anh ta thích ai hơn. Tiến Quân Ca, đáp án bật ra không cần suy nghĩ.

Dẫu sao con người anh ta tiếp xúc nhiều hơn cũng vẫn là Tiến. Nghĩa Dũng biết Lưu đại khái có thể coi như một “bản thể khác” của Tiến, nhưng số lần đối diện ít ỏi và giao thiệp quá mờ nhạt làm anh không có mấy ấn tượng gì với Công Dân Hành Khúc. Lẽ dĩ nhiên không cảm xúc thì cũng chẳng quá bận tâm sự tồn tại hay biến mất của người ta, chỉ cần đối phương hiện tại đúng là Tiến Quân Ca thì còn lại anh không quan tâm.

Chỉ là dường như từ ngày Lưu “biến mất”, Tiến chưa bao giờ chịu đeo kính lại thêm một lần.

Kí ức của Mikhail đối với Tiến có chút đặc biệt.

Về cơ bản, kí ức của Mikhail đối với chính bản thân anh còn nhiều lỗ hổng mờ nhạt, vậy cho nên đối với người khác chuyện anh không nhớ gì cũng đã được chấp nhận như lẽ hiển nhiên. Từ khi lấy lại được “giọng nói”, thì Mikhail vẫn nhận ra một trong những người tiếp xúc và nỗ lực trò chuyện với mình nhiều nhất là cậu nhóc quốc ca Việt Nam với mái tóc xù tựa không bao giờ có thể chải thẳng và đôi mắt nâu lấp lánh tia sáng ấm áp kia.

Mikhail khá yêu thích Tiến Quân Ca. Nói cho cùng, ai có thể ghét bỏ một cậu trai trẻ luôn toả ra vẻ dễ chịu tựa đứa em nhỏ đáng yêu như thế chứ? Mikhail cũng không phải gỗ đá vô cảm, anh chỉ đơn thuần là một người cao lớn và kiệm lời, có vẻ thực đối lập với vóc dáng nhỏ bé (so với anh) của Tiến, và cái miệng mỗi khi gặp quốc ca Nga lại tía lia bao câu chuyện không đầu không cuối của cậu.

Chỉ là trong kí ức không rõ ràng của chính mình, Mikhail vẫn lờ mờ nhận ra, Tiến anh hiện đang quen biết hình như còn có một “con người” khác, mà dường như anh không thể nhớ liệu đã bao giờ trực diện đối mặt với cậu ta lần nào.

Anh đem vấn đề thắc mắc đi hỏi một vài quốc ca khác, cuối cùng cũng biết được người đó là ai. Lưu, Công Dân Hành Khúc, quốc ca một thời của Việt Nam Cộng Hoà. Với con người thuộc về đất nước theo chủ nghĩa cộng sản và quốc tế vô sản suốt tới tận năm 1991, anh với Lưu căn bản là hai đường thẳng cùng lắm chỉ có thể tiệm cận chứ vĩnh viễn chả thể nào giao nhau.

Vậy nên với Mikhail, có lẽ sự hiện diện từng có của Lưu cũng chỉ mờ nhạt như miền kí ức xa xăm mà anh không thể nhớ. Cũng không quan trọng gì, vì mọi chuyện cũng vĩnh viễn qua rồi.

Figueredo biết rõ cả Tiến và Lưu.

Anh thích Tiến hơn, điều đó không cần bàn cãi. Cả hai đã như anh em cột chèo từ suốt bao chục năm, tình cảm theo thời gian chỉ càng thêm sâu đậm chứ chẳng hề phai nhạt.

Lưu thì là một “bản thể” nào đó từng tồn tại song hành với Tiến, thời kì cậu chưa hoàn toàn chuyển thể. Anh cũng đã gặp Lưu không ít lần, nhưng vẻ già dặn trước tuổi cùng cách hành xử nhiễm chút cốt cách Tây phương sau bao thời gian ở Sài Gòn thời Pháp thuộc rồi Mỹ chiếm của Lưu làm Figueredo có chút không thể thích ứng. Nói cho cùng, chung hệ tư tưởng vẫn dễ nói chuyện hơn.

Tuy vậy ngày Lưu thực sự biến mất, anh vẫn là có chút nỗi niềm thương cảm không nói rõ thành lời. Dẫu sao cũng từng một thời là quốc ca, anh hiểu rõ trong Lưu cũng tồn tại không ít những dằn vặt nội tâm chả kém gì Tiến, cả hai đều là những quốc ca của thời kì chiến tranh dai dẳng khốc liệt, làm sao có chuyện chỉ đơn thuần thơ ngây không hiểu rõ thế cuộc. Mỗi lần khúc ca cất lên đều là trước khi ra trận động viên tinh thần chiến sĩ, khúc quốc tang cho linh hồn những ai anh dũng hi sinh, khúc khải hoàn cho một lần chiến thắng trở về… Cùng là quốc ca dĩ nhiên từng trải qua bao cung bậc xúc cảm ấy, một ngày đột ngột có ai đó biến mất thì dĩ nhiên cho dù không phải là quá thân quen, Figueredo cũng không thể dửng dưng như không hề có chuyện gì.

Từ giờ phút đó, quốc ca Việt Nam chỉ còn là Tiến Quân Ca mà thôi.

Lisle là một trong những quốc ca hiếm hoi dường như yêu thích Công Dân Hành Khúc hơn là Tiến Quân Ca. Hay ít nhất là, đã từng.

Vì dẫu sao cậu ta cũng cùng chung lý tưởng với anh một thời dù ngắn ngủi. Một cậu nhóc già dặn, trưởng thành trước tuổi, cũng tương đối dễ thương, cho dù xét ra không đáng yêu bằng Tiến, Lisle tóm tắt về Lưu như vậy.

Anh thực sự tiếc khi mà ngày ấy Lưu hoàn toàn biến mất. Nhưng sự việc xảy tới cũng như bát nước hắt đi chẳng thể lấy lại, anh cũng chỉ đơn thuần là chấp nhận từ nay về sau quốc ca Việt Nam chỉ còn là một con người duy nhất.

Tiến Quân Ca, không phải Công Dân Hành Khúc.

Kimi Ga Yo đối với mọi người luôn luôn đem lại cảm giác đặc biệt thanh cao mà dễ chịu tới khó lý giải. Có thể là từ phong thái điềm đạm của anh, từ bộ phục trang nhã nhặn quý phái, từ những cử chỉ luôn toát ra vẻ thoát tục không vương bụi trần… Shiro vẫn còn nhớ một trong số ít những quốc ca có bầu không khí phảng phất chút gì đó từa tựa như vậy bao quanh là Công Dân Hành Khúc của Việt Nam Cộng Hoà.

Chính xác hơn là, đã từng.

Vì Lưu không còn tồn tại nữa.

..

.

Shiro lần đầu tiên gặp cô gái kì lạ ấy, là vào một chiều mưa tầm tã.

Quân đội Nhật Bản vừa mới thua một trận chiến, hồn tử sĩ bảng lảng khắp chiến trường mà chỉ những sự tồn tại đặc biệt như anh mới có thể nhận ra.

Shiro đi giữa cánh đồng hoang vu lạnh lẽo, bước chân chậm rãi lướt trên dải đất vừa ấm nóng máu tanh vừa nguội lạnh tử khí, miệng hát lên khúc ca cầu siêu cho những người con của đất nước mặt trời mọc đã hi sinh vì tổ quốc.

Lúc khúc hát của anh vừa dứt, một giai điệu lạ lẫm vang lên.

Kimi Ga Yo vốn là một bài ca, dĩ nhiên anh thực thân thuộc với những khúc nhạc cất lên tại quốc gia này. Nhưng anh phải thừa nhận, đây đúng là lần đầu tiên anh nghe thấy đoạn phối âm chẳng hề quen thuộc như vậy. Ngẩng đầu nhìn quanh, Shiro nhận ra sự hiện diện của một cô gái.

Cô thiếu nữ mang mái tóc bạch kim, dưới tầng tầng mưa trút tựa thác đổ khiến mái tóc xẹp xuống ướt rượt ủ rũ, nhưng lại tựa hồ có chút phát sáng lành lạnh không thực. Kimi Ga Yo tiến lại gần, làn da cô gái trắng cũng xấp xỉ anh, đem lại cảm giác thanh nhã xa cách, với một bộ kimono đen trắng ảm đạm tựa một miko xa lạ nào đó.

  • Xin chào.

Cô gái cũng nhanh chóng nhận ra sự hiện diện của Shiro, liền buông bỏ cây sáo trong tay mà nở một nụ cười thực buồn để chào anh. Khúc ca tạm dừng, bầu không khí nháy mắt chỉ còn lại ầm ào tiếng mưa gió rít lên lạnh lẽo.

  • Tôi không có ý cắt ngang, cô cứ tiếp tục thổi sáo đi.

Shiro khẽ xua tay bày tỏ ý kiến. Cô gái hơi ngẩn ra rồi gật đầu:

  • Cảm ơn, tôi biết anh không có ý định đó. Nhưng không cần đâu, vì tôi cũng vừa thổi xong rồi.
  • … Nghe không giống như vậy lắm, cô chắc chứ?

Một khúc ca luôn nhạy cảm với sự hiện diện của một khúc ca khác. Shiro lờ mờ suy nghĩ dường như cô gái này và khúc nhạc cô vừa thổi đều là “bản thể” của một giai điệu nào đó. Mà khúc nhạc kia, dường như chưa hoàn chỉnh.

  • Tôi chắc mà, bản tấu ngắt ngang đơn giản vì chưa được hoàn thành.
  • … Một khúc ca chưa hoàn thiện?
  • Phải. Anh thấy người thanh niên nằm kia chứ? Không chỉ là một chiến sĩ, cậu ấy cũng đồng thời là một nhạc công. Cậu ấy còn đang sáng tác bài ca cho cô gái mình yêu nữa. Nhưng cậu ấy đã chết trước khi hoàn thành được nó.
  • Tôi là Kimi Ga Yo, còn cô là ai?

Shiro tự mình giới thiệu. Thường anh không mấy quan tâm tới thân phận của ai khác, nhưng đã trông thấy anh và còn cảm nhận được cả sự tồn tại của một khúc ca chưa hoàn thành, cô gái này không đơn giản.

  • Tôi ư? Tôi không có một cái tên cụ thể, anh thích gọi tôi là gì cũng được. – Cô gái nghiêng đầu. – Tôi là người tiễn đưa vong hồn của những khúc ca không còn được hiện diện trên thế gian này, có thể coi tôi như là Khúc Nhạc Tử Vong.
  • Cái tên chả hợp với một thiếu nữ như cô chút nào.

Shiro khẽ lắc đầu. Cô gái nhoẻn cười, cho dù khoé môi cong lên thật ngọt, nhưng nụ cười của cô không hiểu sao vẫn tang thương tới lạ:

  • Vì vậy nên tôi mới bảo là gọi tôi như thế nào cũng được. Tôi ở đây để tiễn đưa linh hồn của những khúc ca không trọn vẹn, còn anh?
  • Tôi tiễn đưa vong hồn những tử sĩ đã hi sinh cho tổ quốc của chính mình.
  • Vậy chúng ta có cùng mục đích rồi. Làm việc chung lần này chứ, Kimi Ga Yo?
  • Rất sẵn lòng.

Shiro đồng ý, và đồng hành cùng cô gái trong suốt chặng đường còn lại ngày hôm ấy. Không hiểu sao anh có linh cảm, trong tương lai rồi mình sẽ còn gặp lại cô nàng kì lạ này.

Một ngày đã trôi qua khá lâu trong kí ức, Lisle im lặng tại đám tang tập thể những chiến sĩ chết trận được đưa thi hài về Pháp, thi thoảng mới tiến lên làm nhiệm vụ của mình khi được hiệu lệnh cử hành quốc ca.

Hôm ấy cũng là một ngày trời mưa, lần đầu tiên Lisle gặp Khúc Nhạc Tử Vong.

Lisle đặt tên cho cô là Melissa. Chẳng vì lý do gì đặc biệt, chỉ đơn giản cái tên Khúc Nhạc Tử Vong không hề hợp với cô. Với cả bộ váy phong cách Victorian trắng đen thanh nhã như cô đang mặc lại càng không nên đeo bám tử khí chết chóc bên mình.

Mái tóc bạch kim và một bên mắt xanh thăm thẳm màu đại dương làm anh liên tưởng tới biển và những bọt sóng. Melissa, anh giải thích là nó nghe như tên một nàng tiên cá. Nên cô gái bình thản gật đầu.

Kết thúc lễ truy điệu, khi cúi chào nhau bằng cử chỉ riêng của những khúc nhạc, Lisle dường như có chút ngạc nhiên mong chờ thú vị lúc cô gái bảo, tôi và anh sẽ còn gặp lại nhau.

Figueredo bắt gặp cô gái tóc bạch kim vắt vẻo trên một thân cây cao ngất, dùng sáo thổi lên giai điệu xa lạ của một bản nhạc anh chưa từng nghe qua.

  • Khúc nhạc hay đấy, nhưng dường như không trọn vẹn.

Cô gái buông sáo khi nghe lời nhận xét của quốc ca Cuba. Anh ngẩng lên nhìn cô, cô cũng cúi xuống nhoẻn cười với anh:

  • Vì cậu ấy chưa hoàn thiện, nhưng người sáng tác lại mới hi sinh mất rồi.
  • Tôi hiểu.

Figueredo gật đầu, cũng không thắc mắc thêm tại sao cô gái lại biết những điều ấy. Trong anh linh cảm được sự tồn tại của cô ắt hẳn cũng đặc biệt như một quốc ca là anh. Cô ta là ai được nhỉ?

  • Một trong những mục đích tồn tại chính của tôi là để tiễn đưa linh hồn những giai điệu chưa hoàn chỉnh, những giai điệu bị lãng quên hay không còn được sử dụng nữa. Anh có thể coi tôi như Khúc Nhạc Tử Vong.
  • Cái tên nghe ghê quá, chả hợp với cô tí nào.

Quốc ca Cuba hơi khẽ nhăn mặt. Cô gái khẽ bật cười:

  • Anh có thể đặt cho tôi cái tên khác cũng được.
  • Luna nhé? Trong tiếng Tây Ban Nha nó có nghĩa là mặt trăng. Mái tóc cô có màu như ánh trăng vậy.
  • Cảm ơn.

Cô gái đồng ý, và từ đó Figueredo gọi cô là Luna.

Mặt trăng, ánh trăng, dìu dịu toả sáng bàng bạc trong không gian. Rất đẹp, nhưng luôn phảng phất nét u buồn trầm mặc kì lạ. Đúng là miêu tả chính xác bầu không khí luôn bủa quanh cô gái tự nhận mình có nhiệm vụ tiễn đưa những khúc ca không còn được cất lên nữa này.

Tuyết bao trùm trắng xoá không gian, trĩu nặng trên những nhành bạch dương và từng hàng thông lá kim. Mùa đông ở nước Nga là tử huyệt của không biết bao đội quân khác, vì sự khắc nghiệt lạnh lẽo nơi đây.

Nhưng Mikhail lại có một niềm yêu thích kì lạ với không khí buốt giá của thời gian này trong năm, cũng không rõ chính xác có lý do gì đặc biệt.

Lần đầu anh – hay chính xác hơn là bản thể cũ của anh, quốc ca Liên Xô – gặp Serene, là dưới tán cây bạch dương trĩu nặng tầng tuyết trắng tinh khôi. Cô ngồi đó, gò má hơi ửng hồng vì lạnh, trùm kín mình trong bộ đồ trắng viền lông cũng trắng, làn da nhợt nhạt và mái tóc bạch kim khiến cô cứ như một thiên thần tuyết vậy.

  • Chào anh.

Quốc ca Liên Xô khẽ gật đầu chào cô gái, không có ý định lên tiếng. Dẫu sao từ xưa tới nay anh vẫn nổi tiếng kiệm lời.

  • Này, tôi thích tuyết với sự lạnh giá nơi đây. Thực buốt rét, nhưng cũng rất bình yên.
  • Ừ.
  • Lần tới gặp nhau, hãy gọi tôi là Serene, được không? Đó là tiếng Anh, một từ chỉ sự thanh thản tĩnh lặng. Như cảm giác anh đem lại cho tôi vậy.
  • Được.

Từ đó trong kí ức của quốc ca Liên Xô rồi tới Mikhail sau này, Serene là tên một cô gái kì lạ với niềm yêu thích đặc biệt với tuyết nước Nga như anh, và luôn luôn mặc đồ trắng.

Nghĩa Dũng nhìn chăm chăm vào thân hình mảnh khảnh bé nhỏ với bộ sườn xám nổi bật sắc đỏ rực rỡ tương phản cùng mái tóc bạch kim mềm mượt dài tới ngang eo:

  • Cô là ai?
  • Khúc Nhạc Tử Vong, người chuyên tiễn đưa linh hồn những khúc ca bị quên lãng.
  • Tiễn đưa mà ăn mặc như đi hỉ tiệc thế này à?

Nghĩa Dũng nhăn mặt. Cô gái bật cười:

  • Một bài ca sắp chết không có quyền nhìn một bộ đồ màu sắc gắt gao trước khi tan biến sao? Tiễn đưa họ với sắc đỏ là cầu chúc họ may mắn bình an, họ chả phàn nàn thì sao anh phải lo chứ.
  • Chết rồi còn phàn nàn cái nỗi gì…

Nghĩa Dũng càu nhàu, tự dưng nảy sinh cảm giác cô gái trước mặt thực phiền phức.

  • Trong tương lai chúng ta sẽ còn gặp lại nhau.
  • Tôi chả mong chờ tới dịp đó lắm đâu…

Nghĩa Dũng lẩm bẩm. Anh mặc định luôn tên cô ta là Khúc Nhạc Tử Vong, cũng chả buồn bận tâm đặt lại cái tên khác cho cô. Phù hợp quá rồi còn gì, mỗi lần cô ta xuất hiện thì trò chuyện mấy câu đã đủ làm anh muốn tiễn vong cô lập tức cơ mà.

Quốc ca Mỹ nheo mắt nhìn cô thiếu nữ mang gương mặt chả phân định rõ nét lai Á – Âu, có chút hư ảo tới kì lạ trước mặt. Cô ta bận quần bò áo thun như bao cô gái bình thường trên đất Mỹ, chỉ là mái tóc bạch kim đặc biệt và đôi mắt heterochromia kì lạ làm cho anh bị thu hút kia ắt hẳn không thuộc về “người bình thường”. Và cả cây sáo đó nữa.

  • Cô làm gì ở đây?
  • Tiễn biệt một khúc ca.
  • … Sau đó nữa?
  • Sau đó?

Cô gái nghiêng đầu vờ như không hiểu. Scott thở hắt:

  • Cô thổi xong khúc nhạc được cả nửa tiếng rồi. Giờ tới phần nào, lễ truy điệu cầu an trong tĩnh lặng à?
  • Tĩnh lặng cũng bị anh phá hỏng rồi.
  • Ừ được rồi, lỗi của tôi, xin lỗi cô.
  • Cũng không cần quá nghiêm trọng như vậy đâu, Scott.
  • Cô biết tên tôi?
  • Tôi biết anh là quốc ca Hoa Kỳ.

Cô gái mỉm cười. Scott day trán:

  • Còn cô là ai?
  • Khúc Nhạc Tử Vong, người có sứ mệnh chuyên tiễn đưa những khúc ca sắp tạm biệt trần thế.

Scott khẽ nhăn mày:

  • Tên nghe kì cục quá.
  • Anh có thể đặt cho tôi cái tên khác cũng được.
  • Được sao?
  • Tên cũng chỉ là để gọi thôi mà.

Scott bèn quyết định gọi cô là Saphira. Không vì lý do gì đặc biệt, chỉ là khi để ý quan sát, anh thấy một bên mắt của cô thi thoảng mang sắc xanh biển thuần khiết như màu ngọc sapphire.

  • Chúng ta sau này sẽ còn gặp lại nhau chứ Saphira?

Nhận thấy cô gái chuẩn bị rời đi, Scott đột ngột lên tiếng hỏi.

  • Chắc chắn rồi.

Saphira nhoẻn cười. Rõ ràng là một nụ cười, nhưng Scott thấy tim mình nhói lên khe khẽ. Saphira có kiểu cười mà trông còn buồn bã tang thương hơn gương mặt bình thản nghiêm nghị của cô ấy.

..

.

Ngày Lưu biến mất, là lần đầu tiên tất cả bọn họ cùng đối diện với cô gái mang mái tóc bạch kim và đôi mắt đa màu kì lạ.

Khúc Nhạc Tử Vong mặc một bộ quần áo từa tựa phục trang nữ dân quân Việt Nam Cộng Hoà, nhưng tiểu tiết cách điệu cho thấy nó được thiết kế đặc biệt chỉ cho riêng cô, hoặc cho dịp nào đó.

  • Cuối cùng cũng tới ngày tôi là người nhận được lời tiễn biệt của cô rồi sao, Laz?

Lưu mỉm cười nhẹ nhàng trong vắt, gọi tên cô như thể hai người quen biết đã lâu. Cô gái được gọi là Laz gật đầu:

  • Tôi tới để vĩnh biệt cậu, Lưu.
  • Cả chúng tôi nữa.

Scott đại diện tiến lên. Ngày này rồi cũng sẽ tới, họ đều biết. Một đất nước thống nhất vẹn toàn thì không thể có hai quốc ca. Hoặc là Tiến, hoặc là Lưu sẽ mãi mãi không còn ở với bọn họ nữa. Và lịch sử đã chọn Tiến làm người ở lại.

Họ có nên trách cứ không? Và nếu có, thì phải trách ai?

  • Thổi bản nào vui vui tí sau khi hết giai điệu của tôi nhé. Ra đi mãi mãi mà còn nghe nhạc đám tang thì chán lắm.

Lưu cười cười, khiến cho các quốc ca khác có chút không biết nói gì. Laz gật đầu:

  • Ừ, hôm nay cậu là boss, theo ý cậu hết.
  • Tôi biết cô rất tốt mà.

Lưu giữ nguyên nét cười nhẹ tênh tựa hồ không vướng bận điều gì, rồi đưa mắt nhìn một lượt những quốc ca đang vây quanh, gật đầu thay cho lời chào.

  • Gửi lời hỏi thăm của tôi tới Tiến, nhắn cậu ấy nhớ sống thay phần của tôi thật tốt vào.
  • Chúng tôi nhất định sẽ gửi.

Figueredo tiến lên nắm lấy bàn tay của Lưu. Chúng lạnh toát không chút độ ấm, tựa như đã sẵn sàng rời bỏ thế gian này vậy.

  • Chúng tôi sẽ nhớ cậu.

Lisle cũng bước tới, hôn nhẹ lên trán Lưu. Đó là cách mà anh vĩnh biệt một người anh yêu quý, một nụ hôn tiễn đưa lên trán thật nhẹ và khắc khoải thứ dư âm tàn phai của những kí ức ngày nào.

  • Tôi cũng sẽ nhớ mọi người lắm.

Lưu gật đầu, khẽ nhắm hờ mắt khi đón nhận nụ hôn của Lisle. Laz bắt đầu đưa sáo lên môi thổi.

Và mọi quốc ca đứng vòng quanh Công Dân Hành Khúc đang toả ra ngàn đốm sáng lấp lánh như những vì sao, trong khi bản thể của cậu dường như tách khỏi thể xác dùng chung với Tiến, mờ nhạt dần đi trong dương quang rạng rỡ của buổi chiều tà.

Phong ma thời khắc luôn là thời điểm buồn bã nhưng cũng thích hợp nhất để tiễn đưa một linh hồn.

Cái chết của một quốc ca… thật sự lại rất đẹp và rực rỡ, một vẻ diễm lệ tới nhói lòng thấu buốt tâm can.

Bản nhạc ngân tới những nốt cuối cùng thổn thức nỉ non tựa không nỡ xa rời, nhưng rồi Laz hít sâu một hơi, chuyển sang một khúc ca có phần tươi trẻ hạnh phúc hơn.

Lưu mỉm cười, nụ cười tuyệt đẹp sau cuối như lời vĩnh biệt tới tất cả mọi người.

“Mọi người nhất định phải sống thật hạnh phúc đấy.”

“Chúng tôi sẽ cố gắng, Công Dân Hành Khúc.”

End one shot.

2 thoughts on “[Oneshot] Death of a Song | QCTS fanfic.

  1. Review có tâm tập hai để nhanh có shot mới–

    Tôi thích sự tồn tại của Khúc nhạc tử vong, vì lẽ tôi hay tự hỏi, các Quốc ca tồn tại là vì dân tộc, vì đất nước của họ, vậy ai sẽ tồn tại vì họ đây? Laz là câu trả lời hoàn hảo, một niềm an ủi rằng khi một quốc ca chết đi, sẽ có người vì Quốc ca đó tấu lên khúc nhạc, như cái cách họ truy điệu những người lính hy sinh vì sứ mệnh thiêng liêng.

    Tôi thích cả cách Laz viết về Lưu trong suy nghĩ của các Quốc ca khác nữa. Cơ mà trong suy nghĩ của tôi ấy, cái thanh lịch của Lưu nó khác với với cái thanh lịch của Shiro, kiểu nói thế nào nhỉ, Lưu giống một thanh niên Việt Nam gia giáo, đi du học Pháp về, còn Shiro thì là thời gian lắng đọng lại.

    Nói chung là, tôi thích fic này lắm. Cảm ơn Laz đã viết nên một fic hay thế này.

    Liked by 1 person

    1. Yêu Sai vô cùng *ôm ôm* Review quá trời có tâm luôn, tôi lại ngùn ngụt khí thế đi viết tiếp rồi ~~

      À ừ tôi chỉ nói khí chất của Lưu thoáng giống Shiro trong một phần giây còn chung quy lại vẫn khác nhau mà, từ sự tồn tại tới bản chất lời ca nữa— Tôi thích sự bí ẩn của Lưu cũng nhiều như tình cảm tôi dành cho người giời sama vậy. Thực sự rất thương bọn họ, chứ không chỉ đơn thuần là tình yêu cho nhân vật mình thích ❤

      Lần nữa cảm ơn Sai rất nhiều ❤

      Liked by 1 person

Feedback, please ~~